“Yêu nghề, nghề sẽ không phụ mình đâu chị ạ!” - Cùng với nụ cười hiền lành, Nguyễn Văn Thà - thợ lò Phân xưởng Đào lò 2, Công ty than Dương Huy đã chia sẻ rất chân tình với tôi về công việc hiện tại của mình. Trong suốt buổi trò chuyện, gương mặt người thợ lò trẻ ấy toát lên vẻ tự tin và ánh mắt điềm tĩnh như thể mọi chuyện chẳng có gì là to tát.
Phó Quản đốc trực tiếp phụ trách ca sản xuất của Thà - người chơi thân với tôi, đã nhiều lần nói, “chị gặp thằng Thà đi, hay lắm đấy”. Nhưng rồi mãi đến khi Nguyễn Văn Thà được Đảng ủy Công ty tuyên dương gương “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ” tiêu biểu của tháng 8, tôi mới quyết định gặp Thà. Mặc dù cậu ấy cứ từ chối mãi, bảo là: Người như em đầy ra, có gì đặc biệt đâu chị?
Đúng là những gương “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ” hiện đang có ở rất nhiều các phân xưởng sản xuất của Công ty than Dương Huy. Tôi chọn Thà trong số những người đó không phải vì cậu có điều gì đặc biệt, mà vì Thà xứng đáng đại diện cho lớp công nhân trẻ lành nghề, yêu nghề, không ngại việc khó của Than Dương Huy.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông của tỉnh Nam Định, Thà lựa chọn nghề lò giữa rất nhiều nghề nghiệp là có sự định hướng hẳn hoi, vì đã có rất nhiều họ hàng, bạn bè, người quen của Thà đã lựa chọn con đường này trước đó. 2 năm học Trung cấp nghề, rồi học liên thông lên Đại học ngành khai thác hầm lò, Thà luôn xác định rõ con đường lập thân, lập nghiệp của mình.
29 tuổi, với 9 năm trong nghề, Thà có đủ sự tự tin của một công nhân lành nghề, biết trân trọng công việc của mình. Hồi đi thực tập, mới xuống lò Thà cũng thấy nản khi mọi thứ xung quanh đều tối đen, cũng thấy sợ sợ. Nhưng giờ Thà quen rồi, đường lò đã thuộc như lòng bàn tay, còn có “ngôi sao trên mũ” soi đường chỉ lối nên chẳng còn sợ gì nữa. Bây giờ, những công việc nặng nhọc, vất vả, khó khăn đối với Thà đều chỉ thấy bình thường. Khi đã say nghề thì dù vất vả đến mấy Thà cũng có thể tìm thấy niềm vui và động lực để tiếp tục phấn đấu.
Với công việc trong lò, việc rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm rất hiệu quả, cùng sự hỗ trợ của máy móc thiết bị. Nhóm thợ của Thà được coi là nhóm thợ mũi nhọn của Phân xưởng Đào lò 2, gồm toàn những người có tay nghề tốt, nhiệt tình trách nhiệm trong công việc, chuyên xử lý những vị trí sản xuất khó. Đây cũng là nhóm thợ có năng suất lao động cao nhất, một ca sản xuất có thể đi hết 3 vì với 2,1 mét lò đào mới là chuyện rất bình thường. Chính vì thế, thu nhập bình quân của Thà thường xuyên là 1 triệu đồng/công trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm qua.
Thà chia sẻ với tôi: “Mọi người bảo nghề lò nguy hiểm, nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng nghề nào mà chẳng có rủi ro hả chị, an toàn hay không ở mình hết. Em tự hào là một người thợ mỏ, tự hào là một người chiến sỹ làm than. Em cũng tin rằng, mọi cố gắng của ngày hôm nay, sẽ được đền đáp xứng đáng ở tương lai”.
Nghề lò tuy nặng nhọc vất vả, nhưng là nghề đáng được trân trọng, bởi vì “nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Luôn cố gắng, nỗ lực, giành tâm huyết với nghề nên nghề lò đã mang lại cho Thà một cuộc sống ổn định, ấm no, một gia đình nhỏ bình an, hạnh phúc. Những người thợ mỏ như Thà với thu nhập nghìn đô bây giờ có rất nhiều không chỉ ở Than Dương Huy mà trong cả Tập đoàn TKV. Đó là lớp công nhân mới - thế hệ công nhân của thời kỳ 4.0, đã có sự cân nhắc, lựa chọn trước khi vào nghề, trải qua quá trình làm việc với nhiều cố gắng nên hiểu về nghề để có thể gắn bó lâu dài với một niềm tin giản dị: Yêu nghề, nghề sẽ không phụ mình.
Hương Giang