Hơn 10 năm gắn bó với Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin, bằng niềm đam mê sáng tạo, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Hiền (Phòng Kỹ thuật khai thác) đã cống hiến nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho đơn vị hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Anh cũng chính là một trong 12 tài năng trẻ toàn quốc năm 2020 của tỉnh Quảng Ninh vừa được vinh danh.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hiền (thứ 2, trái sang) cùng các gương mặt Tài năng trẻ toàn quốc năm 2020 của tỉnh Quảng Ninh
Chàng "thợ lò kỹ sư"
Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, nhưng Nguyễn Văn Hiền lại chọn Quảng Ninh làm nơi lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất (năm 2009), chàng kỹ sư sinh năm 1986 lại ứng tuyển làm công nhân khai thác than tại Công ty CP Than Vàng Danh.
Quyết định làm thợ lò đầy vất vả, cực nhọc của Hiền khiến không chỉ gia đình mà cả bạn bè đều hết sức bất ngờ, thậm chí phản đối. Thế nhưng, chẳng ai hiểu được tâm sự của chàng trai trẻ. "Muốn làm công việc chuyên môn tốt, điều quan trọng là phải lăn lộn với thực tiễn, hiểu được công việc. Chỉ khi dấn thân vào những khó khăn, vất vả, mới giúp mình trưởng thành hơn” - Nguyễn Văn Hiền quan niệm.
Nguyễn Văn Hiền nhận danh hiệu Tài năng trẻ toàn quốc năm 2020
2 năm làm công nhân khai thác than dưới hầm lò, dường như đã tôi luyện cho chàng kỹ sư trẻ những phẩm chất mà nếu chỉ ngồi ở văn phòng thì khó có thể hiểu được; những tháng ngày ấy đối với Nguyễn Văn Hiền là một sự trải nghiệm quý báu. "Ở nơi người ta vẫn gọi là "ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ" có một thứ mà không nơi nào có được, chính là tình cảm chân tình, luôn sẵn sàng sẻ chia khó khăn của những người thợ lò. Đó là tinh thần kỷ luật và đồng tâm, vừa đảm bảo an toàn, vừa nâng cao năng suất lao động. Bởi họ đều hiểu, chỉ một chút sơ suất nhỏ sẽ phải trả giá đắt, có khi bằng cả mạng sống" - Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.
Sau 2 năm làm công nhân hầm lò, Nguyễn Văn Hiền được điều chuyển về Phòng Kỹ thuật khai thác. Anh được giao nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch các vỉa mới, phục vụ đào lò và khai thác; đồng thời tác nghiệp kỹ thuật tại các phân xưởng sản xuất của công ty. Công việc này đòi hỏi thường xuyên phải đi thực tế sản xuất, nhất là tại những khu vực địa chất mỏ khó khăn, phức tạp, có nhiều biến động. 2 năm làm việc dưới lò chính là động lực để kỹ sư Nguyễn Văn Hiền miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, tìm kiếm các giải pháp cải tiến kỹ thuật, nhằm giảm bớt cực nhọc cho công nhân, cũng như nâng cao hiệu quả công việc, làm lợi cho công ty.
Sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Văn Hiền cùng đồng nghiệp được áp dụng tại Công ty CP Than Vàng Danh
Những sáng kiến bạc tỷ
Ở Than Vàng Danh, Nguyễn Văn Hiền được nhiều người biết đến, bởi anh không chỉ là Bí thư chi đoàn gương mẫu, năng nổ, nhiệt huyết, mà còn nổi tiếng với những cống hiến, giải pháp làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Một trong những đề tài mà Nguyễn Văn Hiền cùng đồng nghiệp vừa dày công nghiên cứu là giải pháp thu hồi than ở những lò chợ xiên chéo có sử dụng giàn chống mềm ZRY. Đây cũng là đề tài mà anh cùng các đồng nghiệp đã đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Quảng Ninh lần thứ VII năm 2019.
Nguyễn Văn Hiền cùng các đồng nghiệp nhận giải nhất Cuộc thi Sáng tạo trẻ năm 2019 do Đoàn Than tổ chức.
Đây được coi là công trình đầu tiên nghiên cứu đề xuất và xây dựng giải pháp thu hồi than sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY, giúp thu hồi than triệt để, tránh lãng phí tài nguyên.
Đánh giá về khả năng nhân rộng của giải pháp này, ông Trần Văn Tức, Trưởng Phòng Kỹ thuật khai thác, Công ty CP Than Vàng Danh, cho biết: Hiện nay, trữ lượng các khu vực vỉa dốc tại công ty còn rất lớn, chỉ riêng trữ lượng được lập kế hoạch khai thác trong giai đoạn 2017-2021 là hơn 6,5 triệu tấn. Trong khi đó, cấu tạo vỉa than tại các khu vực vỉa dốc của công ty có sự biến động lớn, nhiều vị trí lên đến 5-6m. Việc áp dụng thành công sáng kiến này sẽ cho phép mở rộng phạm vi áp dụng công nghệ với phần lớn điều kiện các khu vực vỉa dốc tại công ty.
Từ lâu, Công ty CP Than Vàng Danh đã áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY. Tuy nhiên, theo kỹ sư Nguyễn Văn Hiền, trên thực tế vẫn phát sinh những hạn chế bởi công nghệ này chỉ phù hợp với các khu vực có chiều dày vỉa đến 3,5m. Trong khi các khu vực vỉa dốc tại Than Vàng Danh lại có biến động mạnh về chiều dày, nhiều khu vực lớn hơn 3,5m. Điều này đã làm hạn chế phạm vi, cũng như diện áp dụng công nghệ khai thác.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hiền (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp đánh giá về hiệu quả của giải pháp thu hồi than trong sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY. Ảnh: Phạm Cường (Công ty CP Than Vàng Danh)
Chính vì thế, giải pháp thu hồi than trong sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY do kỹ sư Hiền và đồng nghiệp nghiên cứu, xây dựng, được đưa vào hoạt động đã cho thấy những hiệu quả khả quan. Mặc dù đến tháng 5/2018, giải pháp này mới được áp dụng, nhưng chỉ tính riêng trong năm đầu tiên đã góp phần giúp công ty tăng doanh thu trên 17 tỷ đồng.
Từ năm 2015 đến nay, kỹ sư Nguyễn Văn Hiền đã cống hiến khá nhiều sáng kiến, giải pháp sản xuất, làm lợi cho đơn vị. Tiêu biểu như: Sáng kiến lắp tuyến thiết bị lò DV+80 chợ II-7-1 khu giếng Cánh Gà, giúp tăng cường tuyến tiêu than, góp phần nâng cao công suất lò chợ; sáng kiến đánh bích sắt dọc các băng tải B650 để gia cường, góp phần ổn định tuyến băng tải; sáng kiến đào lò phân tầng mức +30 lò chợ II-8A-4 giếng Cánh Gà phục vụ thông gió, vận chuyển để khấu kết thúc lò chợ, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động...
Với những thành tích nổi bật, kỹ sư Nguyễn Văn Hiền đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và mới đây nhất, được vinh danh là một trong 400 Tài năng trẻ toàn quốc năm 2020. Đam mê, sáng tạo không ngừng, Nguyễn Văn Hiền không bao giờ bằng lòng với những gì đang có. Anh luôn làm mới mình, làm mới công việc của mình bằng những sáng kiến, giải pháp sản xuất, làm lợi cho công ty, cũng như giảm sự vất vả, tăng thu nhập cho người lao động, phát huy tối đa nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ./.
Nguồn: baoquangninh.com.vn