Đời sống - Xã hội

Ngành Than khắc ghi lời Bác dạy

Ngày đăng: 9/11/2021

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tỉnh Quảng Ninh và Ngành Than - khoáng sản. Bác đã 9 lần về thăm vùng mỏ Quảng Ninh, trong đó, Bác dành nhiều tình cảm đặc biệt cho công nhân, cán bộ ngành Than. Đáp lại sự quan tâm ấy, hơn nửa thế kỷ qua, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, lập nên những kỳ tích, góp phần làm cho mặt trận sản xuất than ngày càng sôi động, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo thương hiệu và uy tín cao trong nước và quốc tế.

Từ lời căn dặn của Người!

Suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác, ngay từ khi còn ở nước ngoài cũng như những năm về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã luôn dành cho công nhân, cán bộ ngành Than - Khoáng sản sự quan tâm sâu sắc. Từ năm 1921 đến năm 1945, Bác Hồ đã có 5 bài viết, trong đó có cả Báo cáo gửi Bộ Phương Đông, thư gửi BCHTW Đảng Cộng sản Đông Dương nói về tình hình cơ cực của công nhân mỏ Quảng Ninh dưới sự áp bức bóc lột dã man của thực dân, chủ mỏ và bọn tay sai. Những bài viết và văn kiện này đã thể hiện rất rõ quan điểm bênh vực thợ mỏ của Người.


 
Ngày 30-3-1959, Bác Hồ thăm Công trường khai thác than mỏ Đèo Nai (TP Cẩm Phả). Ảnh tư liệu
 

Khi nước nhà vừa giành được độc lập cũng như suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ đến ngày Khu Mỏ được giải phóng từ tháng 9/1945 đến tháng 5/1955, trong 3 lần gửi thư cho đồng bào, công nhân, cán bộ, chiến sỹ tỉnh Quảng Ninh thì có 2 lần Bác nói về công nhân mỏ và sản xuất than, trong đó một lần Người gửi thư cho công nhân Khu mỏ Hòn Gai. Ngày 30/3/1959, Bác Hồ đến thăm công trường khai thác than và nhà ăn trụ mỏ Đèo Nai, khi đó còn nằm trong tổ hợp mỏ Cẩm Phả. Tại đây, Bác nói chuyện thân mật cùng cán bộ, công nhân mỏ: “Than ở Vùng mỏ vào loại tốt của thế giới, cảnh Vùng mỏ vào loại kỳ quan của loài người... Các chú phải làm than cho tốt”. Bác cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyến còn tồn tại. Sau lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ấy, phong trào sản xuất của cán bộ, công nhân ngành mỏ đặc biệt lên cao hơn bao giờ hết. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Đèo Nai năm nào cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch. Vui lòng về thành tích sản xuất của Vùng mỏ, Bác tặng ngành Than Quảng Ninh “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” và căn dặn thợ mỏ cùng toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy thắng lợi trong sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu.

Tuy không đến được tất cả các công trường, hầm lò ở Vùng mỏ nhưng phong trào thi đua sản xuất của ngành Than luôn được Bác quan tâm, động viên. Lần cuối về thăm Quảng Ninh, trong những ngày Tết Ất Tỵ 1965, Bác đã đến thăm nhiều cơ sở sản xuất ở Vùng mỏ, gặp gỡ thân mật và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ Quảng Ninh. Sáng mùng 1 Tết, đông đảo cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân họp mít tinh ở thị xã Hồng Gai để chào mừng và chúc Bác khoẻ mạnh, sống lâu. Bác khen ngợi những thành tích to lớn trong sản xuất và chiến đấu của Quảng Ninh năm 1964. Bác nói: “Năm ngoái, tỉnh nhà đã giành được hai thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi thứ nhất là ngày 5/8, quân và dân ta đã cho bọn đế quốc Mỹ một bài học đích đáng, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn bị thương một số chiếc khác. Thắng lợi thứ hai là Công ty Than Hòn Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than...”.


Ông Mai Hữu Phần, cựu công nhân mỏ Đèo Nai, kể chuyện gặp Bác Hồ năm 1959 cho thế hệ thợ mỏ trẻ. 
 

Những năm sau này, do bận nhiều công việc và tuổi cao, nhưng sự quan tâm của Bác với công nhân mỏ vẫn luôn thường trực. Ngày 15/11/1968, nhân dịp 32 năm ngày Miền Mỏ bất khuất (nay là ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than) Bác Hồ kính yêu đã gặp mặt nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu cán bộ, công nhân ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Thành phần đoàn đại biểu được gặp Bác hôm đó chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất ưu tú được lựa chọn từ các cơ sở sản xuất than theo yêu cầu của Bác. Đây là một sự kiện lịch sử ghi dấu ấn không thể quên trong công nhân, cán bộ ngành Than, cho cả giai cấp công nhân Quảng Ninh.

Trong bài phát biểu của Bác Hồ ngày ấy có những câu chỉ nghe hoặc đọc một lần, cả đội ngũ công nhân, cán bộ ngành Than cũng như CNVC-LĐ Quảng Ninh hết thế hệ này đến thế hệ khác đều thấy thấm thía và không bao giờ quên. Bởi đó là lời dạy bảo ân cần, là sự khích lệ động viên và tình cảm bao la của Bác dành cho chúng ta hôm qua, hôm nay và mai sau. Bác nói “Người ta thường gọi than là “vàng đen”. Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống nhân dân” và “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt khó khăn, nhằm tạo một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”…


Để dòng “vàng đen” ngày đêm tuôn chảy

Thực hiện lời dạy của Người, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.


TKV làm Lễ báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn người con công nhân mỏ tham gia Binh đoàn Than, cầm súng vào chiến trường để trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Vùng mỏ, những người công nhân trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua một người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt, đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đất nước được thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam: Đó là thời kỳ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn vàng đen của đất nước. Ngày nay, với công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò, ô tô chở đất đá tải trọng hàng trăm tấn ở các mỏ lộ thiên, hệ thống băng tải vận chuyển than, đất đá thay cho ô tô, các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350 - 500 mét ... đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.


 

Ngành Than Việt Nam đã một số lần hoàn thành trước thời hạn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra, tiêu biểu là Đại hội Đảng lần thứ VIII và lần thứ IX; đã đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và dành một phần hợp lý để xuất khẩu, góp phần cân đối tài chính và có tích luỹ. Từ sản xuất than tại địa bàn Quảng Ninh, ngành Than đã đầu tư các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khoáng sản, điện lực, hoá chất, cơ khí và một số lĩnh vực khác; đã đầu tư nhiều dự án khai thác các tỉnh thành bạn, như dự án khai thác bauxit tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông…Qua đó đã làm thức dậy vùng tài nguyên Tây Nguyên đầy tiềm năng, góp phần tích cực đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trọng điểm của đất nước.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngành Than đã tiến hành thoái vốn khỏi các lĩnh vực không thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính để tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho công nghiệp mỏ. Trong những năm gần đây, ngành Than đã có những giải pháp chủ động, linh hoạt theo cơ chế thị trường để chỉ đạo, điều hành sản xuất - tiêu thụ phù hợp, ổn định tư tưởng, việc làm và thu nhập cho người lao động; luôn động viên và khơi dậy tinh thần làm chủ, sáng tạo, vượt khó của đội ngũ cán bộ, công nhân, phấn đấu vươn lên, liên tiếp hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch được Đảng và Nhà nước giao. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ngành Than đã phối hợp tốt với tỉnh Quảng Ninh trong việc lập lại trật tự trong sản xuất - kinh doanh than, bảo vệ môi trường Vùng mỏ, làm tốt công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.


 

Nếu như năm 1995, năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV), sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn thì đến năm 2018 sản xuất than nguyên khai đạt 36,95 triệu tấn, tiêu thụ đạt 40,5 triệu tấn, tăng 4,5 triệu tấn so với kế hoạch. Từ năm 2019 đến nay, TKV tiếp tục đạt được những thành tích toàn diện, giữ vững vai trò then chốt, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và khẳng định là Tập đoàn lớn mạnh, trụ cột của nền kinh tế. Đặc biệt, hai năm gần đây trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19, quyết tâm cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy lùi dịch Covid, ngành Than đã đồng bộ triển khai giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa tăng sản lượng, năng suất, tiết kiệm chi tiêu, quyết tâm giữ mỏ an toàn. Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2020 TKV đã “Vượt khó - Bứt phá - Về đích - Hoàn thành” ngoạn mục các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó than nguyên khai đạt 38,5 triệu tấn, đạt 100% so với kế hoạch năm; than tiêu thụ đạt 42 triệu tấn.Tổng doanh thu TKV đạt 123.425 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 19.500 tỷ đồng, lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt gần 3.000 tỷ đồng. Cùng với duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, TKV đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 96.000 người lao động với tiền lương bình quân chung là 12,8 triệu đồng/người/tháng. Để tiếp tục đóng góp cao hơn vào tăng trưởng GRDP cho tỉnh, hiện tổng lượng than sản xuất của TKV tại Quảng Ninh trong năm 2021 được nâng lên từ 36,8 triệu tấn lên 39,1 triệu tấn. Mức tăng này sẽ đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bởi về giá trị cơ cấu hiện nay, cứ 1 triệu tấn than sẽ tác động đến 0,39 điểm % tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh.


 
Đảng ủy Công ty Than Dương Huy - TKV tuyên dương các tập thể tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 17/5/2020.
 

Học tập và làm theo lời Bác, các thế hệ công nhân Vùng mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc và sau này trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã dệt nên truyền thống đấu tranh bất khuất, anh hùng, “Kỷ luật và Đồng tâm”. Với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, những người thợ mỏ đã thi đua không ngừng xây dựng hình ảnh và thương hiệu của một Tập đoàn lớn, và ở mọi thời điểm, ngành Than luôn khẳng định vị trí vững vàng, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, khắc ghi lời Bác căn dặn “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Chia sẻ bài viết: