Gương người tốt, việc tốt

Giàng Sín Châu - Tấm gương tiêu biểu của Than Vàng Danh

Ngày đăng: 4/10/2021

Sinh ra và lớn lên tại Lùng Thẩn - một xã nghèo vùng cao thuộc huyện Simacai, tỉnh Lào Cai. Cũng giống như bao đứa trẻ người dân tộc H’Mông. Tuổi thơ của Giàng Sín Châu là những chuỗi ngày khó khăn vất vả của người dân miền núi quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc.

Chân dung gương công nhân tiêu biểu Giàng Sín Châu
 
Dù địa phương rất quan tâm đến việc động viên con em người dân tộc thiểu số đi học, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đến năm lớp 9 Châu rời ghế nhà trường kết thúc thời kỳ học sinh ở nhà phụ giúp bố mẹ phát nương, làm rẫy. Song với tính tình hiền lành, năng nổ Châu đã tham gia sinh hoạt đoàn và làm công tác xã hội trong thôn. Nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm với  công việc được giao kết hợp với phẩm chất đạo đức tốt, vào ngày 2 tháng 7 năm 2007,  Châu vinh dự  được chi bộ thôn Lỳ Thượng kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Sau 3 năm hoạt động, Châu luôn luôn là đảng viên gương mẫu, đi đầu trong mọi công viêc và hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Không những thế, Châu còn làm tốt công tác dân vận. Người dân trong thôn,  nhờ được Châu dẫn đường, chỉ lối nên luôn thực hiện tốt chính sách pháp luật của nhà nước, quy định của xã và hương ước của thôn, đặc biệt là xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, tư tưởng trọng nam khinh nữ  tiếp thu những giá trị văn hóa mới, đặc biệt là thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em…  Vì thế, năm 2010, chỉ với 3 năm tuổi đảng, Châu đã được cán bộ, đảng viên và bà con trong thôn tin tưởng bầu làm bí thư chi bộ.

Là  người có tâm huyết với công việc, Châu luôn trăn trở làm thế nào để phát triển được kinh tế gia đình cũng như của địa phương để gia đình và bà con trong thôn thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Vì thế, Châu đã lặn lội đi khắp nơi để học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Nhưng với một nơi cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đường xá đi lại vô cùng khó khăn, trình độ và nhận thức của người dân còn lạc hậu thì các mô hình kinh tế đều không thực hiện được. Cái nghèo, khó vẫn đeo bám mãi gia đình Châu và bà con trong thôn.

Đến tháng 6 năm 2019, Châu được biết tập đoàn than khoáng sản Việt Nam về xã tuyển người đi học nghề làm mỏ và học xong sẽ làm tại mỏ than ở Quảng Ninh với mức lương từ 12 đến 20 triệu đồng/ tháng. Một số tiền lớn mà người dân vùng cao như Châu có nằm mơ cũng không có cho nên Châu đã đăng ký đi học để đi làm.

Tháng 9/2019, Châu được vào Phân xưởng KT7, Công ty cổ phần than Vàng Danh thực tập. Đúng vào lúc phân xưởng gặp nhiều khó khăn về diện sản xuất. Tại lò chợ II-5-4 bị ảnh hưởng nước lò chợ II-8- 4 lò rất nóng và bụi, một số công nhân người kinh không chịu được khó khăn, gian khổ đã phải xin thôi viêc hoặc chuyển đi làm tại công ty khác, nhưng với bản chất chịu thương chịu khó và với bản lĩnh của người đảng viên, hơn nữa được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo đơn vị cũng như công ty, Giàng Sín Châu đã cố gắng lao động và học tập để hoàn thành khoá học. Không những bản thân mình cố gắng Giàng Sín Châu còn vận động những công nhân, học sinh cùng làm với mình cố gắng bám trụ ở lại làm việc.

Sau khi học xong, tháng 5 năm 2020, Giàng  Sín Châu  được công ty tuyển dụng  vào làm công nhân tại phân xưởng KT7 - nơi Châu đã thực tập. Vốn đã quen với con người, diện sản xuất và công việc, Giàng Sín Châu tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước, chăm chỉ lao động sản xuất đảm bảo ngày giờ công lao động, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao đảm bảo tốt công tác an toàn,. Đến nay,  Giàng Sín Châu đã thành thục tất cả những công việc của một người thợ phụ với mức lương bình quân của 8 tháng đầu năm 2021 là 16,8 triệu đồng.

Trong công tác phòng chống dịch Covid -19, do sự điều động của công ty chuyển phòng sang khu khác ở Giàng Sín Châu đã chủ động ra thuê trọ ngoài vì lý do mình là người dân tộc thiểu số mọi sinh hoạt theo phong tục tập quán riêng sợ ảnh hưởng đến anh em khác, Tại nơi ở trọ Giàng Sín Châu cũng thực hiện nghiêm túc các quy định của địa phương. Ngay năm đầu tiên vào làm công nhân là năm mà nỗi nhớ nhà, nhớ vợ nhớ con  ra diết, nhớ những tiếng  khèn tiếng sáo của người H'Mông quê mình, nhớ những phiên chợ ngày xuân và những trò chơi dân gian như ném còn đẩy gậy. Nhưng đã thấm nhuần các quan điểm chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19 “ Mỗi người dân là một chiến sỹ”  Giàng Sín Châu đã cất giấu nỗi nhớ nhà, nhớ người ở lại ăn tết tại  đất mỏ vàng Danh. Không những thế, Giàng Sín Châu còn kết hợp với lãnh đạo đơn vị đi vận động những người dân tộc tiểu số khác ở lại ăn tết cùng với mình. Tính đến nay, đã hơn 9 tháng, Châu chưa được về quê thăm vợ con.

Trong một cuộc trò chuyện mới đây, tôi có hỏi Giàng Sín Châu: Đi làm như thế này có vất vả bằng làm các công việc ở nhà không? thì Châu trả lời công việc ở đây vất vả hơn ở quê. Châu đi làm chưa bao giờ mồ hôi ra ướt hết cả quần áo. Tôi lại hỏi “ Vất vả thế mà sao Châu vẫn làm được?”. Châu nói: Khi em vào thực tập tại đơn vị được lãnh đạo đơn vị và anh em làm cùng rất quan tâm gần gũi sống hoà đồng  không phân biệt người kinh và người dân tộc thiểu số đặc biệt là được công ty, đơn vị quan tâm chúng em vào những dịp lễ tết.

“Sau gần hai năm làm việc tại đơn vị cũng như công ty có những gì làm em cảm động  nhất ?” Châu nói : “Gần hai năm thực tập làm việc tại công ty với  2 lần đón tết. Có lẽ là đặc biệt nhất trong đời em lần đầu tiên là tết năm 2020 em đang thực tập tại phân xưởng được công ty cho xe đưa về tận quê ăn tết, hết dịp nghỉ tết lại có xe đón lên làm khi chúng em ra xe về quê ăn tết có rất nhiều các anh lãnh đạo công ty, lãnh đạo phân xưởng tiễn chân và mừng tuổi. Lần thứ hai là năm 2021 đúng lúc chúng em đã  sắm sửa tất cả mọi đồ đạc để về quê thì có dịch covid không được về quê nhưng chúng em ở lại ăn tết cũng không hụt hẫng lắm vì có sự quan tâm của công ty cũng như đơn vị và các anh em làm cùng.

“Em mong ước gì trong tương lai?” Châu nói: “ Điều em mong ước nhất là tiếp tục được làm việc tại phân xưởng làm việc ở cái lò mát lò rộng có bóng điện chiếu sáng và ít bụi em sẽ cố gắng làm và tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các anh đi trước và sẽ làm người thợ chính có mức thu nhập cao hơn nữa để về xây một cái nhà và đóng tiền cho con ăn học”. Nếu có dịp về quê, Em sẽ vận động thêm một số thanh niên cùng ra đất mỏ công tác. Trước đây, có đôi lần em vẫn nghĩ, mình không được rời quê, sống chết cũng phải ở nơi mình đã sinh ra. Nhưng bây giờ, em đã hiểu một điều: Quê hương,  không chỉ là nơi mình sinh ra mà cũng là nơi nuôi nấng mình, nơi có nhiều tình yêu thương và sự đoàn kết sẻ chia”.
Hoàng Tùng

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản