Đến công trường Khai thác 4, Công ty Cổ phần than Cao Sơn – TKV. Khai trường khu vực Khe Chàm 2 sau trận mưa như trút nước, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, một ngày làm việc khẩn trương, vật lộn với cơn mưa hung ác, tôi gặp thợ lái máy xúc Phạm Văn Hùng.
Công nhân vận hành xúc Phạm Văn Hùng
Hùng có nước da ngăm đen của người thợ dãi dầu mưa nắng, với vóc dáng nhỏ bé nhưng cứng cáp như lõi lim rừng, ánh mắt sáng lấp lánh, nhanh nhẹn, nụ cười luôn nở trên môi, anh Hùng tâm sự: Trận mưa này khủng khiếp quá, sườn moong có độ dốc lớn, lượng nước nhiều, nước ở khắp nơi đổ dồn về moong trung tâm, nước sói lở hết đường, có những đoạn đường bị tê liệt chia cắt. Các máy xúc làm việc hết công suất, xẻ rãnh, khơi thông dòng chảy, đắp đập, chắn nước, bảo vệ các tuyến đường xung yếu của khai trường, cán bộ, công nhân lái máy dầm mưa đến ướt nhoẹt cả người, bây giờ đã tương đối ổn. Các xe, các máy đều tập kết tại những nơi an toàn. Sau cơn mưa này phải mất từ một đến hai ngày sửa chữa, duy tu lại tầng bè, đường vận chuyển, để ổn định lại sản xuất.
Là một trong những người thợ lâu năm của Công trường, với thời gian làm việc hơn hai mươi năm trong nghề, trải qua rất nhiều chủng loại máy xúc thủy lực gầu ngược như Cater pilar, Hitachi, Komasu, những tích lũy kinh nghiệm qua công việc, qua học hỏi những lớp người đi trước, Hùng dần từng bước khẳng định mình trong công việc, được anh em trong Công trường tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ máy xúc Hitachi số 16 với nhiệm vụ chủ yếu: xúc, bóc, tách, phân loại than, nâng cao phẩm chất than tại vỉa.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống là công nhân, học xong lớp 12 anh vào học nghề vận hành máy xúc tại Trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm (Nay là Trường Cao đẳng TKV). Năm 2000 anh xin về Công ty Cổ phần than Tây Nam Đá Mài (Nay là Công ty Cổ phần Than Cao Sơn – TKV), vận hành máy xúc thủy lực gầu ngược bóc xúc đất đá và than.
Trải qua bao nhọc nhằn trong công việc đối với người thợ mỏ, đã hun đúc nên người thợ máy xúc hôm nay. Trong tổ máy anh luôn là tấm gương cho mọi người học tập, bảo ban, trong công việc cho lớp thợ trẻ, xây dựng tổ máy luôn đi đầu trong công tác an toàn và sản xuất.
Anh Phạm văn Hùng bên thiết bị máy xúc tại khai trường Than Cao Sơn
Khai trường Khe Chàm 2 các vỉa than rất mỏng, xen kẽ các lớp đất đá, vỉa bị đứt, gãy, nên việc phân lớp, phân loại than đòi hỏi người thợ lái máy phải có kinh nghiệm, phải biết giữ gìn, khai thác, sử dụng máy xúc đạt hiệu quả cao nhất trong công việc, với nhiệt huyết của mình, Phạm Văn Hùng luôn muốn truyền lại kinh nghiệm, những bài học mà mình đã học tập và trưởng thành qua cho lớp các em kế thừa và phát huy.
Những cố gắng và nỗ lực trong công việc, Phạm Văn Hùng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quản Ninh tặng bằng khen: “Công nhân tiêu biểu năm 2016”; Công đoàn Than - Khoáng Sản Việt Nam công nhận là “Thợ mỏ xuất sắc tiêu biểu năm 2015-2016”.
Với sản lượng kế hoạch được giao năm 2021, chủng loại thiết bị máy Hitachi 16 được phòng chủ quản đánh giá máy loại C. 8 tháng đầu năm, tổ máy đã đạt 65% kế hoạch năm. Trong công tác áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh Hùng đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đánh giá có chất lượng cao, áp dụng thực tế vào sản xuất làm giảm chi phí giá thành, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, nâng cao năng suất hoạt động và hiệu quả của thiết bị được tập thể đơn vị, lãnh đạo Công ty và Tập đoàn ghi nhận biểu dương khen thưởng.
Trong thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành, làm xáo trộn cuộc sống của mọi gia đình, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của đất nước, cần lắm những cá nhân, tập thể chung tay, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc dập tắt đại dịch, xây dựng, phát triển kinh tế của ngành, đất nước, là những tấm gương để mọi người học tập theo. Sau cơn mưa, trời lại sáng, những ánh nắng vàng của một ngày mới đang tràn khắp trên khai trường làm hân hoan tâm hồn những người thợ mỏ./.
Lê Xuân Thế Tùng